Theo qui định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực (visa).
I, Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú và ký hiệu thẻ tạm trú:
– Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ được cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3 (NG3 – Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ).
– Người nước ngoài được cấp thị thực có ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ, TT được xét cấp thẻ tạm trú có ký hiệu tương tự ký hiệu thị thựcTại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 đã qui định các loại ký hiệu mới và thời hạn của từng loại ký hiệu thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Trong đó ý nghĩa của các ký hiệu thị thực được hiểu như sau:
LV1 – Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
LV2 – Cấp cho người vào làm việc với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
ĐT – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
NN1 – Cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
NN2 – Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
NN3 – Cấp cho người vào làm việc với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
TT – Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
II, Cách thức thực hiện:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại một trong ba trụ sở làm việc của Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an:
a) 44-46 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
b) 254 Nguyễn Trãi, Q.1, TP Hồ Chí Minh.
c) 7 Trần Quý Cáp, TP Đà Nẵng
2. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
+ Nếu đầy đủ, hợp lệ, thì nhận hồ sơ, in và trao giấy biên nhận, hẹn ngày trả kết quả.
+ Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn người nộp bổ sung hồ sơ cho đầy đủ.
Thời gian nộp hồ sơ:
– Từ thứ 2 đến sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ và chủ nhật).
Bước 3: Nhận kết quả:
a) Người đến nhận kết quả đưa giấy biên nhận, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu cho cán bộ trả kết quả kiểm tra, đối chiếu, nếu có kết quả cấp thẻ tạm trú, thì yêu cầu nộp lệ phí sau đó ký nhận và trao thẻ tạm trú cho người đến nhận kết quả (kể cả không được giải quyết).
b) Thời gian trả kết quả:
Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ và thứ 7, chủ nhật).
– Thành phần, số lượng hồ sơ:
+ Thành phần hồ sơ:
a) Văn bản đề nghị cấp thẻ tạm trú (mẫu NA6 đối với cơ quan, tổ chức, NA7 đối với cá nhân);
b) Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (NA8)
c) Giấy tờ chứng minh thuộc diện xem xét cấp thẻ tạm trú là một trong các loại giấy tờ như: giấy phép lao động, giấy xác nhận là Trưởng Văn phòng đại diện, thành viên Hội đồng quản trị hoặc các giấy tờ khác có giá trị chứng minh đủ điều kiện cấp thẻ tạm trú;
đ) 02 ảnh cỡ 3×4 cm (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh rời);
+ Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
– Thời hạn giải quyết: không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: thẻ tạm trú.
– Lệ phí (nếu có):
+ Thẻ tạm trú có giá trị 01 năm: 80 USD/1 thẻ
+ Thẻ tạm trú có giá trị trên 01 năm đến 2 năm: 100 USD/thẻ.
+ Thẻ tạm trú có giá trị trên 2 năm đến 3 năm: 120 USD/thẻ.
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có):
+ Công văn đề nghị cấp thẻ tạm trú (mẫu NA6 đối với cơ quan, tổ chức, NA7 đối với cá nhân);
+ Bản khai thông tin về người nước ngoài đề nghị cấp thẻ tạm trú (mẫu NA8);
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):
1. Cơ quan, tổ chức khi đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài cần phải nộp hồ sơ chứng minh tư cách pháp nhân tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
a) Giấy phép hoặc Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập tổ chức (có công chứng);
b) Văn bản đăng ký hoạt động của tổ chức (có công chứng) do cơ quan có thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp;
c) Văn bản giới thiệu, con dấu, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của tổ chức;
Việc nộp hồ sơ trên chỉ thực hiện một lần. Khi có thay đổi nội dung trong hồ sơ thì doanh nghiệp phải có văn bản thông báo cho Cục Quản lý Xuất nhập cảnh để bổ sung hồ sơ.
2. Người nước ngoài nhập cảnh có mục đích hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, và không thuộc diện “tạm hoãn xuất cảnh” quy định tại, thì được xem xét cấp thẻ tạm trú có giá trị từ 1 năm đến 3 năm. Trong những trường hợp sau đây thì không cấp thẻ tạm trú:
a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang là bị đơn trong các vụ tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động;
b) Đang có nghĩa vụ thi hành bản án hình sự;
c) Đang có nghĩa vụ thi hành bản án dân sự, kinh tế;
d) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính.
III, Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
+ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47/2014/QH13, ngày 16/6/2014).
+ Thông tư số 04/2015/TT-BCA, ngày 05/01/2015 của Bộ Công an quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
+ Thông tư số 219/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam.